Project Highrise: Architect’s Edition kỳ thực không phải là một tựa game dễ, ít nhất là so với nhiều game khác cùng thể loại mô phỏng xây dựng và quản lý mà tôi từng chơi. Đây thật sự là một tựa game đòi hỏi sự tính toán và chiến thuật đầu tư phát triển chu đáo của người chơi, trong vai trò một kiến trúc sư cho tòa nhà. Không chỉ phát triển số lượng cư dân mà bạn còn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác của họ về cơ sở hạ tầng như truyền hình cáp hay viễn thông, cho tới yêu cầu dịch vụ như bảo trì chuyên lo các việc sửa chữa hư hỏng trong tòa nhà, thu gom rác sinh hoạt, cung cấp nước uống đóng chai cho các văn phòng cho thuê v.v… Ngành nghề của mỗi người thuê cũng có những yêu cầu rất khác nhau về vị trí hay các sản phẩm sau dịch vụ khác nhau.
Khác với nhiều tựa game mô phỏng xây dựng và quản lý thường lồng ghép phần hướng dẫn cơ bản ban đầu trong trải nghiệm chính, Project Highrise: Architect’s Edition lại dành hẳn một phần riêng cho các tutorial này. Điều khiến tôi cảm thấy thú vị là trò chơi hướng dẫn khá cụ thể và chi tiết những gì mà bạn cần làm khi bắt đầu xây dựng những tòa nhà chọc trời như thế này. Đây là một điểm cộng rất lớn của trò chơi vì chỉ là game, nhưng những gì mà bạn trải nghiệm kỳ thực là một khối lượng công việc quản lý “làm dâu trăm họ” khá đồ sộ, khiến tôi cũng cảm thấy bất ngờ về mức độ chi tiết.
Mọi quyết định mà bạn đưa ra đều phải được tính toán kỹ lưỡng và lên kế hoạch trước. Từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho cả tòa nhà như các hộp đấu nối dây viễn thông, truyền hình hay điện hoặc nước cho tới bức tường của mỗi văn phòng hay căn hộ. Sau khi cơ sở hạ tầng được đưa vào hoạt động, người chơi còn phải tiếp tục đáp ứng các nhu cầu thiết thực của những người thuê bằng rất nhiều dịch vụ khác nhau. Mỗi đối tượng thuê nhà hay văn phòng lại có những yêu sách riêng, khiến bạn rất đau đầu để tìm hướng giải quyết nhanh nhất nếu không muốn họ dọn đi và mất công tìm kiếm người thuê mới.
Chọn lựa người thuê văn phòng hay căn hộ cũng không phải chuyện đơn giản, vì mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu khác nhau mà bạn phải đáp ứng. Nhiều nhu cầu trong đó chỉ có thể mở khóa một khi bạn đạt được điểm danh tiếng nhất định. Trải nghiệm trong Project Highrise: Architect’s Edition không chỉ đơn thuần là xây dựng mà bạn còn phải tạo nên cả một hệ sinh thái trong tòa nhà đó, giúp mọi thứ trở vận hành mượt mà và hiệu quả nhất, thỏa mãn từng yêu cầu của người thuê để mang đến sự hài lòng nhất cho họ. Nói cách khác, trải nghiệm trong game hướng đến việc xây dựng nền tảng vững chắc và các dịch vụ cộng thêm chứ không đơn thuần xây dựng.
Ban đầu, tôi bắt chước theo những gì trong phần hướng dẫn để xây nên một khu tòa tháp chọc trời với rất nhiều tiện nghi và quán xá để làm hài lòng người thuê. Thế nhưng mọi chuyện không diễn ra như tôi tưởng khi việc phát triển “quá nóng” đã khiến nguồn chi phí cạn kiệt và không còn vốn để tiếp tục tái đầu tư. Chưa kể, thời gian trong game diễn ra theo từng ngày rất chậm ngay cả khi bạn tăng tốc độ tối đa. Hết cách, tôi đành vay ngân hàng và mọi chuyện chẳng hề khá hơn khi lợi nhuận thu về không đủ để thanh toán những khoản tín dụng “nóng”. Bài học đầu tiên trong trải nghiệm Project Highrise: Architect’s Edition là đừng bao giờ phát triển quá nhanh nếu bạn không muốn sớm phá sản.
Sau thất bại đầu tiên trong việc đầu tư xây dựng cao ốc cho thuê văn phòng, tôi thử chuyển sang đầu tư căn hộ gia đình với suy nghĩ của một kẻ từng đi mua nhà, tự nghĩ người thuê sẽ cần những gì. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi bắt đầu mọi thứ từ tốn hơn. Thay vì phát triển nóng, tôi chọn giải pháp tối đa hoá không gian mỗi tầng cùng với cơ sở hạ tầng riêng trước khi “cất mình” thành một tòa tháp chọc trời như lần đầu trải nghiệm và rút tỉa ra nhiều bài học kinh nghiệm “thất bại là mẹ thành công” cho lần chơi sau. Và cứ thế, khi bạn có thể vận hành và phát triển tòa nhà ban đầu thành một tòa tháp chọc trời với danh tiếng cao, thì đó cũng là một đoạn đường gian khó rất dài đã trôi qua.
Trang chủ:
https://go88.blog